CSKH 24/7 19008120
Hotline (english) 0562689078

Dấu hiệu và cách cải thiện suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi

15:26 07/03/2025

1. Bệnh suy giảm trí nhớ ở người già là gì?

Suy giảm trí nhớ ở người già là tình trạng trí nhớ của người già bị suy giảm, khiến cho người bệnh hay quên, không thể nhớ được những việc vừa diễn ra hoặc những việc đã diễn ra trước đó. Thậm chí, người bệnh cũng gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các thông tin, sự việc mới.

2. Nguyên nhân suy giảm trí nhớ ở người già

Suy giảm trí nhớ ở người già hay suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi thường được cho là do lão hóa. Tuy nhiên, còn có nhiều lý do khác có thể dẫn đến tình trạng này. Cụ thể, các nguyên nhân thường gặp có thể dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi bao gồm:

2.1. Tuổi tác, lão hóa

Lão hóa do tuổi tác là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy giảm trí nhớ ở người già. Tiến trình lão hóa diễn ra tùy từng giai đoạn. Ví dụ, sau tuổi 25, các tế bào thần kinh thường sẽ bắt đầu bị suy yếu, tổn thương, thoái hóa và không thể phục hồi. Sau 60 tuổi, tốc độ thoái hóa của các tế bào thần kinh thường sẽ diễn ra nhanh hơn, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động bình thường của não bộ. Những người bước qua tuổi 60 thường sẽ bắt đầu gặp các vấn đề liên quan đến thần kinh, bao gồm cả việc suy giảm trí nhớ hay sa sút trí tuệ.

Tình trạng suy giảm trí nhớ thường tăng nặng dần theo độ tuổi. Tuổi càng lớn thì nguy cơ và mức độ bị suy giảm trí nhớ càng cao. Các thống kê cho thấy có đến hơn 50% người trên 85 tuổi bị suy giảm trí nhớ mức độ đáng kể.

2.2. Do bệnh lý

Ngoài nguyên nhân tuổi tác, tình trạng suy giảm trí nhớ ở người già cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý. Một số vấn đề sức khỏe có thể làm tổn thương tế bào thần kinh trong não dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ, chẳng hạn như:

- Chấn thương ở vùng đầu: Bị một cú đánh mạnh vào đầu, ngã đập đầu xuống đất, bị tai nạn giao thông gây chấn thương ở vùng đầu,… đều có thể làm tổn thương não và gây mất trí nhớ ngắn hạn hoặc dài hạn. Nếu được điều trị kịp thời, trí nhớ có thể dần dần được cải thiện theo thời gian.
- Đột quỵ : Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị ngừng do tắc nghẽn mạch máu lên não hoặc chảy máu não. Đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi hơn. Những người từng bị đột quỵ có nguy cơ bị suy giảm trí nhớ cao.
- Mất ngủ: Người cao tuổi có nhiều nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ. Thiếu ngủ, mất ngủ là những nguyên nhân thường gặp khiến cho người cao tuổi bị suy giảm trí nhớ.
- Sa sút trí tuệ: Suy giảm trí nhớ ở người già có thể là dấu hiệu của tình trạng sa sút trí tuệ làm cho cơ thể mất dần dần các tế bào não và dẫn đến các bất thường ở não bộ.

- Bên cạnh đó, những bệnh lý khác như bệnh cường giáp hoặc suy giáp, u não, cục máu đông trong não, các bệnh nhiễm trùng như HIV, bệnh lao và giang mai,… đều có thể gây ảnh hưởng đến não và dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ ở người già.

2.3. Sử dụng các loại thuốc chữa bệnh

Bệnh suy giảm trí nhớ xảy ra ở người cao tuổi do sử dụng các loại thuốc chữa bệnh không phù hợp, dùng thuốc sai cách hoặc lạm dụng thuốc quá mức. Chẳng hạn như một số loại thuốc an thần và thuốc ngủ nếu dùng quá liều có thể dẫn đến việc loạn thần, mất trí nhớ tạm thời, thần trí không ổn định,… (3)

Người cao tuổi thường dễ gặp tình trạng quên mình đã uống thuốc hay chưa hoặc không biết cách sử dụng thuốc đúng liều, dẫn đến việc uống quá liều thuốc và dẫn đến tình trạng mất trí nhớ. Ngược lại, tình trạng suy giảm trí nhớ ở người già cũng làm tăng nguy cơ sử dụng thuốc sai cách, trở thành một vòng luẩn quẩn gây nên những ảnh hưởng nguy hiểm đối với sức khỏe.

2.4. Nguyên nhân khác

- Trầm cảm và căng thẳng
- Thiếu dinh dưỡng
- Lối sống không khoa học


3. Dấu hiệu suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi
3.1. Suy giảm trí nhớ ngắn hạn

Suy giảm trí nhớ ở người già có thể dẫn đến những đợt suy giảm trí nhớ ngắn hạn. Lúc này, người bệnh hỏi đi hỏi lại những câu hỏi giống nhau, quên mất mình vừa đặt thứ gì đó ở đâu, quên các sự kiện gần đây hoặc thứ gì đó mà người bệnh vừa thấy hoặc vừa đọc.

Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể nhớ lại những gì mình đã quên sau vài tuần hoặc vài tháng rồi lại tiếp tục lặp lại tình trạng này. Mỗi đợt suy giảm trí nhớ ngắn hạn, người bệnh có thể quên các ký ức và thông tin không giống nhau.

3.2. Giảm khả năng nhận thức về không gian, thời gian

Một biểu hiện thường gặp với bệnh suy giảm trí nhớ ở người già chính là mất nhận thức về không gian, thời gian. Não bộ bị tổn thương làm cho người cao tuổi quên địa điểm muốn đến, quên đường về nhà, không nhớ địa chỉ nhà, hay nhầm lẫn thời gian giữa ban ngày và ban đêm,…

3.3. Giảm khả năng diễn đạt

Khi bị suy giảm trí nhớ, người cao tuổi có thể quên mất những từ ngữ đơn giản khiến người bệnh gặp khó khăn trong giao tiếp hằng ngày. Không chỉ vậy, người bệnh còn có thể đang nói thì bỗng quên mất mình cần phải nói gì nên không thể diễn đạt toàn bộ suy nghĩ của mình, gây nên những hiểu lầm không đáng có trong giao tiếp.

3.4. Gặp khó khăn trong sinh hoạt

Suy giảm trí nhớ ở người già có thể ảnh hưởng đến các vấn đề trong sinh hoạt. Khi bị giảm khả năng nhận thức về không gian, thời gian, người cao tuổi có thể quên ăn khi đến giờ ăn hoặc uống thuốc quá liều vì không nhớ mình đã uống thuốc hay chưa.

Hơn nữa, người cao tuổi dễ bị bối rối vì quên mất mình đang cần làm gì, dẫn đến việc không thể hoàn thành các công việc hàng ngày.

3.5. Thay đổi tâm trạng, cảm xúc thất thường

Người cao tuổi bị suy giảm trí nhớ dễ cảm thấy mặc cảm, tự ti, thấy bản thân vô dụng khi không thể tự chăm sóc cho bản thân. Bên cạnh đó còn là cảm giác lo lắng, sợ gây ảnh hưởng đến những người xung quanh và sợ gặp tai nạn do việc không thể nào tập trung, hay quên lời dặn dò của con cháu,…

Điều này khiến người cao tuổi dễ thay đổi tâm trạng, dễ trở nên cáu gắt, bất thình lình suy sụp tinh thần.

3.6. Thu mình khỏi xã hội

Người cao tuổi bị suy giảm trí nhớ do mặc cảm, tự ti nên dễ dẫn đến việc thu mình khỏi xã hội, không còn tiếp xúc với bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp cũ. Bên cạnh đó, do cảm giác lo lắng, sợ hãi gặp nguy hiểm khi ra ngoài khiến người cao tuổi thu mình khỏi xã hội, chỉ quanh quẩn trong nhà.

4. Suy giảm trí nhớ ở người già có nguy hiểm không?

Các triệu chứng suy giảm trí nhớ ở người già như mất trí nhớ có thể không trực tiếp gây tử vong. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và ngày càng nghiêm trọng hơn thì sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Suy giảm trí nhớ khiến người bệnh có thể đột ngột không nhớ mình đang làm gì. Nếu đang điều khiển phương tiện giao thông, máy móc, nấu ăn,… thì điều này có thể gây nguy hiểm, khiến người bệnh bị té ngã, chấn thương, gặp tai nạn hỏa hoạn,.. dẫn đến tử vong.

5. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu tình trạng suy giảm ở người già bắt đầu xảy ra với tần suất nhiều hơn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, khiến người bệnh phải tốn nhiều thời gian trong việc tìm kiếm đồ đạc hay ghi nhớ thông tin, bị thương do té ngã vì suy giảm trí nhớ dẫn đến khó tập trung khi tham gia giao thông,…. thì nên đến bệnh viện thăm khám để được tư vấn hướng điều trị phù hợp.

Không nên chủ quan khi các dấu hiệu, triệu chứng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn vì có thể đây không phải là do lão hóa bình thường mà là do các vấn đề bệnh lý nguy hiểm với sức khỏe.

Có thể làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ ở người già không?

Tốc độ suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi có thể diễn ra nhanh hoặc chậm tùy theo nhiều yếu tố. Nhìn chung, vẫn có thể giảm nguy cơ tình trạng suy giảm trí nhớ trở nên nghiêm trọng hơn. Điều quan trọng là cần thăm khám với bác sĩ để được đánh giá tình trạng bệnh và tư vấn cách điều trị phòng ngừa phù hợp.

Bên cạnh đó, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ cũng như duy trì lối sống khoa học để tránh các yếu tố làm tình trạng suy giảm trí nhớ diễn ra nhanh hơn và nghiêm trọng hơn.

6. Cách chẩn đoán bệnh suy giảm trí nhớ ở người lớn tuổi

Bệnh suy giảm trí nhớ ở người già có thể được chẩn đoán thông qua các thăm khám, chẩn đoán lâm sàng. Bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên các biểu hiện của người bệnh cũng như các thông tin về tiền sử bệnh lý, các vấn đề sức khỏe, lối sống của người bệnh.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng được yêu cầu thực hiện các bài kiểm tra nhằm đánh giá năng lực tư duy, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng ghi nhớ những sự kiện vừa xảy ra, khả năng sử dụng ngôn ngữ,…

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các biện pháp cận lâm sàng như chụp CT hoặc MRI để đánh giá nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi là gì, có phải do chấn thương não hay có khối u não hay không.

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có một kỹ thuật đặc biệt nào được áp dụng để chẩn đoán suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi. Tùy theo biểu hiện của người bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp chẩn đoán phù hợp.

7. Cách khắc phục tình trạng suy giảm trí nhớ cho người cao tuổi

Người cao tuổi bị suy giảm trí nhớ cần làm gì? Làm sao để khắc phục tình trạng suy giảm trí nhớ cho người cao tuổi? Một số biện pháp có thể giúp khắc phục tình trạng suy giảm trí nhớ đối với người cao tuổi gồm có:

- Thực hiện công việc theo một thói quen hàng ngày.
- Lập kế hoạch công việc, lập danh sách việc cần làm và sử dụng các công cụ ghi nhớ như lịch và ghi chú.
- Đặt ví, chìa khóa, điện thoại và kính ở cùng một nơi mỗi ngày.
- Hạn chế căng thẳng, stress.
- Chơi các trò chơi rèn luyện não bộ như cờ vua, cờ tướng, giải câu đố,…
- Dành thời gian với bạn bè và gia đình.
- Ngủ đủ giấc, thường từ bảy đến tám giờ mỗi đêm.
- Tập thể dục và ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, sử dụng thuốc (nếu có) đúng theo chỉ định của bác sĩ.

8. Cách phòng ngừa tình trạng suy giảm trí nhớ ở người già

Để phòng ngừa tình trạng suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi, có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như:

- Học một kỹ năng mới hay một bài hát, một nội dung mới để não bộ luôn được rèn luyện.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng.
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, hạn chế tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, ưu tiên các nhóm thực phẩm tốt cho trí não.
- Tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe tổng thể.
- Cẩn thận khi sinh hoạt, di chuyển, hạn chế té ngã, chấn thương vùng đầu.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các bệnh lý thần kinh để sớm phát hiện và can thiệp nếu có bất kỳ các vấn đề bất thường nào xảy ra.

📱 Ứng dụng TRI ÂN giúp theo dõi sức khỏe người cao tuổi, nhắc nhở lịch trình quan trọng, hỗ trợ kiểm tra chỉ số huyết áp, nhịp tim